top of page
Tìm kiếm

CỬU VĨ HỒ, THIỆN HAY ÁC?

Đã cập nhật: 15 thg 9, 2021

Có lẽ đa số chúng ta đều đã quen với cửu vĩ hồ là một yêu quái, chuyên dùng sắc đẹp ma mị của mình để dụ dỗ hại người, nhất là đàn ông, sự thực có phải đơn giản như vậy? hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về hình tượng cửu vĩ hồ thực sự nhé.


Trước hết chúng ta cần phải làm rõ khái niệm thiện và ác, liệu thiện và ác có phải đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ, admin cho rằng không hẳn. Nếu việc định nghĩa thiện và ác đơn giản giống như 1 và 0, trắng và đen, thì đã không tốn bao nhiêu chất xám của các nhà triết học từ cổ đại đến hiện đại, và cũng chẳng cần đến pháp luật và luật sư. Cuộc đời này có rất nhiều sắc màu chứ ko đơn giản chỉ là hai màu trắng và đen. Chính vì tư duy của con người không phải nhị nguyên như vậy, mới khiến cho các nhà khoa học vô cùng khó khăn trong việc tạo ra AI có tư duy giống với não người. Vì máy tính thì chỉ có thể phân biệt được 1 và 0, còn tư duy con người thì phức tạp hơn thế nhiều. Thiện ác tự cổ chí kim luôn là một khái niệm vô cùng phức tạp khó phân biệt, chỉ là tương đối khi dựa vào một bộ luật nào đó trong thời điểm nào đó.

Vậy thì, yêu quái hay cửu vĩ hồ có thực sự là ác? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải có một hệ quy chiếu, đó là đạo đức con người. Vậy thì có thể tạm phân ra là, cửu vĩ hồ hại người thì là ác, cửu vĩ hồ giúp người thì là thiện. Vậy có tồn tại cửu vĩ hồ giúp người không? Câu trả lời là có. Mọi người đều quen với hình tượng cửu vĩ hồ của Trung Quốc hay Nhật Bản, đó đều là cửu vĩ hồ hại người, đương nhiên dưới hệ quy chiếu đạo đức con người thì đó là ác. Nhưng hôm nay admin sẽ giới thiệu đến mọi người hình tượng cửu vĩ hồ thiện nhé!


Ở Việt Nam thì tồn tại hai cửu vĩ hồ, một là cửu vĩ hồ ác bị tổ phụ Lạc Long Quân thu phục, ngoài ra thì còn một cửu vĩ hồ thiện đó là vào thời đầu Lê sơ, Lê Thái Tổ Lê Lợi từng có truyền thuyết liên quan đến cửu vĩ hồ. Ấy là khi còn lẩn trốn quân Minh ở Lam Sơn, ông bị truy đuổi gắt gao, bỗng lúc đó ông thấy một cô gái mặc váy trắng chết trôi trên sông, ông chôn cất cô gái tử tế và lẩn trốn tiếp. Đến khi suýt bị quân Minh tìm ra, có một con cáo trắng chạy từ đâu ra làm quân Minh đổi hướng. Lê Thái Tổ cho rằng đó là cô gái đã cứu mình, về sau ông phong cô gái làm thần hộ quốc và cho làm một bức tượng hình một cô gái có nửa thân là cáo chín đuôi, đấy gọi là Hồ Ly Phu Nhân. Cuối thế kỷ 18, nhà thơ Phạm Đình Hổ có thuật lại trong Vũ trung tùy bút của ông về bức tượng: "Những buổi chầu trong điện không bị ngăn cấm người ngoài vào xem. Ta khi nhỏ thường hay vào sân rồng, thấy bên võ ban có đặt pho tượng Hộ quốc phu nhân. Tượng ấy đầu người thân hồ ly, dáng rất đẹp, hình dung một thiếu nữ búi tóc, cài trâm." Ngoài ra trong văn hóa Trung Quốc, cửu vĩ hồ cũng không phải hoàn toàn là xấu, thời Hán, Đường, Tống đều có ghi chép tốt về cửu vĩ hồ, ví dụ trong "Hiếu Kinh" (孝经) viết: "chỉ cần bậc quân vương trị quốc giỏi, nhân dân hưởng thái bình, thì cửu vĩ hồ hiện ra sẽ là điềm báo cát tường" hoặc như trong Sơn Hải Kinh (山海经) chương Nam Sơn Kinh có viết: "ăn thịt cửu vĩ hồ sẽ tránh được yêu ma tà khí" "khi thái bình hiện thân báo cát tường".


Vậy nên thiện và ác có lẽ không hoàn toàn được định nghĩa một cách tuyệt đối bởi một ai đó hay một thế lực nào đó, mà chỉ có thể được phán xét bởi chính lương tâm mỗi chúng ta.




 
 
 

Comments


Special Offers

bottom of page