top of page
Tìm kiếm

NGỌC JADEITE TỰ NHIÊN/TRANG ĐIỂM/XỬ LÝ, LÀM SAO PHÂN BIỆT "THẬT GIẢ"?

Đã cập nhật: 1 thg 3

Đầu tiên tôi sẽ giới thiệu sơ qua lại về ngọc jadeite, nhằm giúp người mới chơi sẽ có kiến thức nền, dựa vào đó phân biệt ngọc jadeite xử lý hay chưa sẽ tốt hơn, sau đó sẽ giới thiệu đến người đọc các phương pháp xử lý và các mẹo nhỏ để phát hiện. Khi nắm được các kiến thức này người đọc đã có thể phân biệt được số lượng lớn ngọc jadeite trên thị trường là có xử lý hay không, từ đó tránh bị mất tiền oan. Bắt đầu thôi nào.


 


I. Ngọc là gì?


Trong cuộc sống, nhiều người thường hỏi tôi: "Bạn xem giúp đây có phải là ngọc không? Ngọc này tốt không? Giá trị thế nào?" Nhiều người cũng cứ nghe đến “ngọc” thì cho rằng là bảo bối gì đó giá trị rất rất cao. Trên thực tế từ “ngọc” hiện nay được sử dụng khá là thiếu quy chuẩn, nguyên nhân có thể là do ngôn ngữ, văn hóa giao thoa học hỏi lẫn nhau giữa các nước đồng văn như Việt, Trung, Nhật, Hàn. Vì vậy ngọc có thể bao gồm nhiều loại đá khác nhau, còn từ Jade trong tiếng Anh thì chỉ 2 loại là Jadeite và Nephrite. Vì vậy khi bạn hỏi “đây có phải ngọc không”, câu hỏi này mang tính chất chung chung, đụng chạm đến khá nhiều vấn đề trên phạm vi rộng. Vì vậy nếu có thể nên sử dụng tên bằng tiếng Anh theo tiêu chuẩn GIA được chấp nhận rộng rãi là tốt nhất.


Trên ảnh là 3 ví dụ khi mà ở thị trường Trung Quốc đều được gọi là ngọc, lần lượt từ trái qua phải là ngọc jadeite, ngọc hòa điền, ngọc tủy. Nhưng mà tên bằng tiếng Anh của 3 loại đá này là jadeite jade, nephrite jade, chalcedony. Có thể thấy chỉ có 2 loại kia được gọi là “jade”, bên cạnh đó thì ngay cả jade cũng có phạm vi giá rất rộng từ rẻ đến đắt.



 

II. Ngọc jadeite là gì?


Theo định nghĩa tiêu chuẩn, ngọc jadeite có công thức là NaAlSi2O6 và các khoáng chất khác. Ở Việt Nam, ngọc jadeite còn được gọi bằng các tên như ngọc cẩm thạch, ngọc phỉ thúy. Dưới đây là các đặc điểm của ngọc jadeite.


  • Hiệu ứng cánh ruồi(Fly wings)- Điểm thứ 1 chính là tính chất độc đáo của jadeite, được gọi là cánh ruồi. Bởi vì nó lấp lánh như cánh của nhiều con ruồi đang đậu trên bề mặt đá do phản xạ của các mặt cắt tinh thể jadeite, nhìn thấy rõ nhất ở các phôi ngọc jadeite chất thô. Mời nhìn ảnh dưới.




  • Hiệu ứng vỏ cam (Orange peel effect) - Điểm thứ 2 là hiệu ứng vỏ cam của jadeite, còn được gọi là vân vỏ cam. "vân vỏ cam" dùng để chỉ các đặc điểm lồi và lõm của ngọc jadeite trên mặt phẳng đã đánh bóng, được quan sát qua bề mặt phản chiếu. "Vân vỏ cam" là do tập hợp của các hạt jadeite to nhỏ không đều và độ cứng có chút khác biệt nhỏ tạo nên, khi đánh bóng xong, các hạt to và cứng sẽ lồi hơn so với các hạt nhỏ và mềm hơn.



Hiệu ứng vỏ cam trên bề mặt ngọc jadeite. Image by Pat Daly, Gem-A.


 

Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thế nào là ngọc jadeite A, B, C, B+C và ngọc jadeite thật giả. Thuật ngữ trong ngành gọi là ngọc jadeite A, B, C, B+C để chỉ ngọc jadeite hoàn toàn tự nhiên hay đã xử lý.


III. Định nghĩa ngọc jadeite A, B, C.

Ngọc jadeite A

chưa áp dụng bất kỳ hình thức xử lý trang điểm nào

Ngọc jadeite B

đã áp dụng hình thức xử lý bằng acid và polymer

Ngọc jadeite C

đã áp dụng hình thức xử lý nhuộm màu

Ngọc jadeite B+C

đã áp dụng kết hợp cả 2 loại hình xử lý ngọc ở trên

Cần phải nói thêm là trên thực tế đôi khi người ta sẽ mặc định chấp nhận hàng A là hàng thật, ngoài A ra thì đều coi như hàng giả, tuy nhiên thì trên giấy kiểm định sẽ không bao giờ ghi “thật, giả”, rất nhiều người nhìn thấy dòng chữ “natural jadeite” hoặc “cẩm thạch, phỉ thúy tự nhiên” thì cho rằng là hàng chuẩn, điều này là sai lầm. Vậy chúng ta cần nhớ kỹ các khái niệm A, B, C, B+C.


 


IV. Các phương pháp xử lý trang điểm ngọc jadeite


XỬ lý trang điểm ngọc jadeite có các cách dưới đây:


  • Xử lý tạp chất bằng acid sau đó bơm polymer (B)

  • Nhuộm màu (C)

  • Acid, polymer, nhuộm kết hợp (B+C)

  • Xử lý nhiệt đốt

  • Sử dụng bột đánh bóng

  • Phủ màng polymer

  • Đệm màu


 


1. Xử lý tạp chất bằng acid sau đó bơm polymer (B)



Chọn phôi ngọc Gia công sơ bộ (gia cố) Nhúng acid Nhúng kiềm Nhúng polymer Mài, đánh bóng



  • Chọn phôi ngọc – thường sẽ chọn phôi ngọc chất thô, độ trong kém, kết cấu lỏng, giá rẻ. Chỉ có ngọc chất thô, độ trong kém, kết cấu lỏng mới là lựa chọn hoàn hảo để xử lý, bởi vì hạt ngọc thô nên khi nhúng acid kết cấu càng lỏng hơn, để tiện cho việc xử lý polymer ở bước sau.




Bổ xung 1 kiến thức nhỏ, đó là trên thị trường mọi người thường nghe ngọc 83, hoặc phôi 83, chính là chỉ mỏ ngọc được tìm thấy vào năm 1983, mỏ này chất ngọc cực kỳ kém, rất thích hợp để xử lý. Vì vậy nếu bạn nghe thấy người bán nói là ngọc 83, nhưng nhìn lại rất trong, màu đẹp, vậy thì chắc chắn là hàng đã xử lý.

 

  • Gia công sơ bộ (Gia cố) Cắt phôi ngọc thành lớp hoặc hình vòng. Dùng dây sắt gia cố chặt, hạn chế nứt vỡ trong quá trình xử lý.



 

  • Nhúng acid Lợi dụng đặc tính ăn mòn mạnh của acid để tẩy rửa sạch tạp chất trong ngọc và tẩy trắng, thường phải nhúng 2-3 tuần, vì vậy khi nhúng acid xong kết cấu ngọc rất lỏng lẻo.



 

  • Nhúng kiềm – Trung hòa acid, tẩy rửa ăn mòn 1 lần nữa.




  • Nhúng polymer – Đem ngọc nhúng vào polymer, sau đó hút chân không, sau đó dùng polymer lấp đầy hết khe nứt vỡ, tăng gắn kết và độ trong.





  • Mài, đánh bóng – sau bước trên, tiến hành mài, tạo hình, đánh bóng hoàn thiện sản phẩm.




 


Các đặc trưng của ngọc jadeite B


  • Màu nền rất sạch: khi quan sát bằng ánh sáng cạnh cửa sổ hoặc đèn, phần màu trắng của ngọc jadeite B không có một chút màu ánh vàng hoặc xám, phần màu xanh lục trông đặc biệt tươi và tinh khiết. Mọi người hãy nghĩ thử xem, phải mất hàng nghìn năm để ngọc jadeite hình thành, môi trường xung quanh biến động vô cùng lớn như vậy, không thể tránh khỏi các nguyên tố khác xâm nhập vào kết cấu ngọc, tạo thành các màu sắc khác, ví dụ Fe sẽ có màu vàng ố. Vì vậy ngọc jadeite A khi quan sát dưới ánh sáng tự nhiên sẽ có chút ánh màu vàng xám hoặc vàng ố. Nhưng nếu ngâm acid trong thời gian dài, kết cấu ngọc lỏng lẻo, các nguyên tố khác bị rửa sạch (xem ảnh dưới). Các ảnh này trên thực tế là từ 1 phôi ngọc, chúng ta có thể thấy ở viên ngọc đã xử lý, màu trắng rất trắng, màu xanh rất xanh, không có 1 chút vàng ố nào, ngược lại ở viên ngọc thiên nhiên có thể thấy các màu tạp vàng ố. Vì vậy nếu bạn thấy 1 viên ngọc thô có màu nền rất sạch, không có chút màu tạp nào, nhất định phải đặt câu hỏi.



 

  • Độ bóng láng: Độ bóng sau khi xử lý polymer bị suy yếu, bề mặt thường là ánh nhựa, ánh sáp, hoặc ánh thủy tinh kết hợp với ánh nhựa hoặc ánh sáp. Hầu hết các viên ngọc jadeite tự nhiên đều có ánh thủy tinh rất đẹp sau khi đánh bóng. Giống như hình bên phải, ánh thủy tinh rất mạnh và đặc biệt sáng bóng. Nhưng sau khi bơm polymer vào jadeite, độ bóng của keo là ánh nhựa ánh sáp. Khi bạn bơm nhiều keo vào, nếu đánh bóng không kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng độ bóng của sản phẩm sẽ xỉn hơn nhiều so với độ bóng của ngọc tự nhiên, trông như nhựa hoặc sáp. Đây cũng là đặc điểm nhận dạng quan trọng mà chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Tất nhiên, cũng có những viên ngọc jadeite hàng B có độ bóng sáng giống như hàng A. Vì vậy, điều này chỉ có thể xác định một số ngọc jadeite có công nghệ xử lý kém.


Độ bóng của ngọc jadeite B+C trước đây

Độ bóng của ngọc jadeite A

Độ bóng của ngọc jadeite B+C bây giờ

 

  • Vân acid: đây là 1 chi tiết quan trọng nhất, về cơ bản chỉ cần nhận ra đặc điểm này là chúng ta đã có thể phán đoán chính xác viên ngọc jadeite này đã xử lý chưa. Ngọc jadeite sau khi xử lý acid xong khoảng cách giữa các hạt rất lớn, dù sau đó sẽ được lấp đầy bằng polymer, nhưng polymer thì mềm hơn jadeite rất nhiều, vì vậy khi đánh bóng sẽ bị mài sâu vào trong hơn, nên vẫn rất dễ nhận ra vân acid, rất nhiều đường vân như mạng nhện. Vì vậy khi bạn nhìn thấy vân acid, viên ngọc này khả năng có vấn đề là rất cao, nhất định phải cẩn thận.


Vân acid như mạng nhện

Bề mặt ngọc jadeite B+C


Sự khác nhau giữa bề mặt ngọc jadeite A và B phóng to


 


  • Polymer lấp vân acid: Ngọc thô chuyên dùng để xử lý vốn dĩ đã rất nhiều nứt, kết cấu lỏng lẻo. Tuy chúng ta ngâm polymer xong vết nứt rạn đã được lấp đầy, nhưng đánh bóng xong, vẫn sẽ thể hiện các vết nứt rạn rất rõ ràng, giống như ảnh dưới, bạn sẽ thấy chỗ màu vàng (đại diện cho polymer) bị lõm xuống. Vì vậy chúng ta phản chiếu ánh sáng bề mặt sẽ thấy rất rõ chỗ lõm, chỗ lõm này và bề mặt ngọc xung quanh có độ bóng láng không giống nhau, nó kém bóng láng hơn, không có ánh thủy tinh mà sẽ giống ánh nhựa, sáp. Còn 1 chi tiết, nếu đó là vết nứt to tự nhiên, chúng ta soi đèn sẽ thấy vết nứt đi từ trong ra ngoài, nhưng nếu ngâm polymer rồi chúng ta sẽ thấy có nứt ở bề mặt ngoài, nhưng soi đèn thì ko thấy, do polymer đã lấp đầy vết nứt.




 

  • Ánh huỳnh quang khi chiếu đèn UV: đèn UV có thể mua được rất dễ dàng ở các tạp hóa. Thông thường có 2 loại đèn UV là 365nm và 395nm. Cần chú ý đèn UV 365nm khi chiếu vào ngọc jadeite loại A sẽ không phát sáng, còn loại B, C, B+C sẽ phát sáng huỳnh quang màu lam, còn nếu chiếu đèn UV 395nm ngọc jadeite loại A sẽ phát sáng tím, còn B, C, B+C sẽ phát sáng lam. Mời các bạn xem ảnh và video dưới.

Chiếu đèn UV 365nm

Chiếu đèn UV 395nm


Lưu ý: công nghệ làm giả mới đã tiến bộ đến mức chiếu UV cũng không dễ phát hiện ra, để yên tâm vẫn nên đến các lab kiểm định uy tín với máy móc thiết bị hiện đại.

 

  • Ánh lam tím lấp lánh: ngọc jadeite B khi xem kỹ sẽ phát hiện có các ánh tím lấp lánh ở trong thịt ngọc (xem ảnh dưới). Thông thường 1 bức ngọc jadeite A chất băng trở lên sẽ có ánh dạ màu trắng rất đều. Ngọc jadeite B sau khi xử lý polymer xong rất trong, nhưng bên trong thịt ngọc sẽ có ánh màu lam tím kỳ quặc như bức ngọc Di Lặc ở ảnh dưới, ánh tím được hình thành do polymer trong thịt ngọc tương tác với UV trong ánh sáng. Do vậy khi bạn nhìn thấy hiện tượng này ở ngọc jadeite cần chú ý, khả năng cao là hàng B.




 

  • Mật độ: thông thường mật độ của ngọc jadeite A sẽ là 3.30 đến 3.36, thường giấy kiểm định chỉ viết 3.33. Nhưng jadeite B sau khi xử lý, kết cấu bên trong bị phá hoại, vì vậy mật độ sẽ rất thấp, thường nhỏ hơn 3.33. Nếu cùng 2 miếng ngọc cùng 1 kích cỡ cầm trên tay, nếu là ngọc A sẽ đầm và nặng tay hơn còn nếu không sẽ rất nhẹ. Tuy vậy thì ngọc jadeite kết cấu phức tạp, vì vậy mật độ cũng chỉ là 1 yếu tố để suy xét, không mang tính tuyệt đối.


 

  • Chiết suất: Chúng ta sẽ phải dùng đến máy đo chiết suất, đối với ngọc jadeite A, độ chiết suất là 1.66, nhưng nếu ngọc jadeite đã xử lý, sẽ là khoảng 1.63-1.64. Nhưng điều này cũng không phải tuyệt đối, chỉ nên xem như thêm 1 yếu tố đánh giá. Đến đây có thể mọi người sẽ thắc mắc, ở trên đều là các yếu tố không tuyệt đối, vậy yếu tố nào mới là quyết định? Mời tiếp tục xem phần dưới.


 

  • Quang phổ hồng ngoại (FTIR): trong ngành kiểm định đá quý, đây là 1 thiết bị vô cùng quan trọng, để đưa ra đánh giá cuối cùng về viên đá quý là thiên nhiên hay không. Thiết bị này đại loại là đo sự tương tác của ánh sáng với vật chất, đo sự dao động của phân tử để xác định vật chất, vì vậy dù là vật chất gì cũng sẽ được phát hiện rõ ràng.



 


2.Nhuộm màu (C)


Ngọc jadeite xử lý màu (loại C). Mọi người đều biết ngọc jadeite có màu xanh lục là đắt nhất, ngoài ra còn màu tím, hồng, đỏ… Những màu này đều là yếu tố tăng giá mạnh cho ngọc jadeite, vì vậy mục đích của nhuộm đã rõ ràng, biến ngọc jadeite không màu thành có màu.


Ngọc jadeite B+C

Thường thì phát hiện ngọc nhuộm rất đơn giản. Chúng ta tưởng tượng quy trình nhuộm, đó là màu nhuộm đi từ ngoài vào trong, vì vậy khi chúng ta phân biệt ngọc jadeite nhuộm hay không chính là quan sát cách màu sắc phân bố. Thử tưởng tượng 1 chút, khi bạn bỏ 1 viên bi thủy tinh vào chất nhuộm rồi nhấc ra, lau sạch, hoàn toàn không dính màu, nhưng khi bạn bỏ 1 tờ giấy vào chất nhuộm, màu sẽ bị lan vào tờ giấy, đó là do kết của của viên bi và tờ giầy khác nhau. Ngọc jadeite cũng vậy, loại ngọc jadeite mà dễ nhuộm nhất kết cấu phải thô và lỏng lẻo để màu nhuộm dễ xâm nhập vào.



 
Các đặc trưng của ngọc jadeite C


  • Màu sắc: ngọc jadeite nhuộm thường sẽ đậm hơn ngọc jadeite A, nhìn không có vẻ tự nhiên.


Ngọc jadeite B+C


  • Hình thái màu: ngọc jadeite nhuộm màu sắc phân bố sẽ giống như xơ mướp.





 

3. Ngọc jadeite xử lý nhiệt


Ngọc jadeite như thế nào sẽ được xử lý nhiệt? thường là ngọc có màu vàng, cam, nâu. Mục đích của xử lý nhiệt chính là mô phỏng, thúc đẩy hiện tượng oxy hóa trong tự nhiên của nguyên tố sắt trong ngọc, từ đó khiến màu đỏ hơn.



Đối với ngọc jadeite A và ngọc jadeite xử lý nhiệt thật sự rất khó để phân biệt, vì trong quá trình xử lý không đưa thêm các tạp chất bên ngoài vào. Ngọc jadeite vàng, nâu, đỏ ngoài tự nhiên thật ra cũng được oxy hóa trong thời gian dài, còn hình thức xử lý này chỉ là đẩy nhanh tốc độ oxy hóa. Vì vậy cách phân biệt chỉ còn cách dựa vào độ trong, thường thì ngọc jadeite xử lý nhiệt sẽ có độ trong kém hơn, nhìn có vẻ khô hơn chút, nhưng tất nhiên cách này cũng không tuyệt đối, vì ngọc jadeite A cũng có loại khô, kém trong. Các lab lớn trên thế giới thật ra cũng đều công nhận ngọc jadeite A xử lý nhiệt, vì vậy mọi người cũng không cần quá lăn tăn, chỉ cần biết để tăng thêm kiến thức.


Ngọc jadeite không xử lý nhiệt (trái) và ngọc jadeite xử lý nhiệt (phải)

 

4. Sử dụng bột đánh bóng


Phương pháp này tương đối thô sơ vì vậy cũng không có gì để nói nhiều, đại khái là dùng 1 lớp bột đánh bóng có màu để đánh bóng bề mặt ngọc jadeite, nhưng vì đây là phương pháp xử lý thô sơ nên khá dễ phát hiện, đeo 1 thời gian sẽ bay mất màu, hoặc bạn chỉ cần lau rửa bằng nước, xà phòng, cồn là có thể rửa sạch lớp bột đánh bóng.




 

5. Ngọc jadeite phủ màng polymer


Ngọc jadeite phủ màng polymer tức là dùng cọ phủ 1 lớp polymer màu mỏng làm màu sẽ đậm hơn. Cách xử lý này không được bền, lớp phủ cũng mềm, qua xử dụng cọ sát sẽ bị mài mòn hoặc bong ra. Thường được các nhà buôn xử dụng để tuồn hàng kém chất lượng vào lô.


Viên ngọc có phủ màng polymer (trái) và sau khi tẩy sạch (phải). Photo by Jian Zhang.

.

Cách xử lý này rất dễ phát hiện nên hiện nay đã biến tướng, người ta sẽ không phủ toàn bộ, mà chỉ phủ đáy viên ngọc rồi bọc lại, như vậy sẽ làm màu đẹp hơn, không thường xuyên đụng vào nên cũng không bị bong ra.



Cách phát hiện ngọc jadeite phủ màng polymer

  • Phân bố màu: màu phân bố rất đều, đằng trước đằng sau, các mặt đều giống nhau, không có các đường gân, vân màu như ngọc tự nhiên. Tuy nhiên cũng có lúc do phủ độ dầy không đều nên có 1 chút khác biệt, chúng ta cần phải quan sát kỹ.


  • Bề mặt: hiệu ứng vỏ cam không còn rõ ràng. Ngọc jadeite tự nhiên phải có hiệu ứng vỏ cam, có thể quan sát dưới mắt thường.


  • Vết xước: bề mặt có thể có các vết xước nhỏ do độ cứng của lớp phủ thấp.


Các vết xước trên bề mặt ngọc jadeite được phủ polymer. Photomicrograph by Jian Zhang; magnified 20×.

  • Dính tay: có cảm giác dính dính tay như sáp nến.


  • Lớp phủ bong ra: qua sử dụng, va chạm, lớp phủ sẽ bong ra ít nhiều, nhất là ở các vùng cạnh va chạm nhiều dễ xuất hiện hiện tượng bong tróc.




  • Độ bóng: Ánh thủy tinh không mạnh như ngọc jadeite thiên nhiên, mà sẽ hơi giống ánh sáp, nhựa.


  • Chiết suất: khoảng 1.55, chiết suất tự nhiên khoảng 1.6-1.67



Các bạn hãy thử tự mình tìm các đặc điểm trong ảnh.
  • Lớp phủ bong tróc

  • Có vết xước


 

6. Bọc lót đế đệm màu


Bọc lót đế là 1 dạng thủ thuật tăng cường màu sắc cho ngọc jadeite. Bọc lót thông thường chỉ khi gia công vàng bạc sẽ bọc hết phía sau (dùng vàng trắng, bạc, mạ trắng) 1 phần để tránh bụi bẩn, 1 phần là lợi dụng phản xạ ánh sáng của kim loại để tăng vẻ đẹp cho ngọc, có thể dùng vàng trắng, vàng vàng, vàng hồng. Nhưng bọc lót đế tăng cường màu lại khác, đó là lót thêm 1 lớp màu ở giữa vàng bạc và ngọc để pha trộn màu nhằm đạt mục đích tăng cường hoặc thay đổi màu. Mời mọi người xem ảnh dưới



Khi xem thành phẩm sẽ cảm thấy rất đẹp, trong, màu sắc đều, nhưng khi gỡ ra thì lại là 1 câu chuyện khác. Trong trường hợp này, mọi người khi mua hàng thành phẩm nhất định phải cẩn trọng. Thủ thuật này về bản chất không vấn đề gì với chất lượng ngọc, nhưng người tiêu dùng phải được biết sự thật, màu ngọc chính xác là màu gì, đã bọc lót thế nào, giá có đúng chất lượng ngọc không, bằng không sẽ là hành vi lừa đảo.



Mời mọi người xem ảnh tham khảo





 

Các đặc trưng của ngọc jadeite bọc lót đế đệm màu

Thực ra rất dễ phát hiện ngọc jadeite bọc lót đế. Mọi người chỉ cần nhìn vào phía cạnh của viên ngọc, sẽ thể hiện rất rõ ràng sự khác biệt của màu ngọc.






Chúng ta cùng xem trường hợp dưới, trường hợp này sẽ khó hơn 1 chút. Khi quan sát thẳng và cạnh màu không khác nhau nhiều, nhưng vẫn có cách để phát hiện. Mọi người hãy xem ở phần rìa, chúng ta sẽ phát hiện phần rìa bị ảnh hưởng màu nhiều hơn phần trung tâm, trường hợp này mọi người cẩn tinh ý quan sát kỹ.




Mời mọi người xem ảnh dưới tham khảo thêm


Như vậy, Python đã giới thiệu hết đến mọi người các phương pháp và thủ thuật xử lý ngọc jadeite. Mong rằng bài viết này sẽ giúp mọi người trong khi mua sắm trang sức ngọc, để sở hữu cho mình viên ngọc chuẩn nhất, không bị mắc bẫy. Cũng mong mọi người chia sẻ rộng rãi đến cộng đồng chơi ngọc jadeite Việt Nam để giúp thêm nhiều người hơn, tránh mất tiền oan. Trân trọng và cảm ơn mọi người.












906 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Special Offers

bottom of page